QUY TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH SALON TÓC

6269

Bước 1: Xây dựng kế hoạch doanh số cho các tháng.
Ở bước này các bạn cần xác định được mục tiêu doanh số của các tháng để có thể xây dựng được kế hoạch kinh doanh bám sát mục tiêu và sẽ tính được chi phí lỗ lãi ra sao để có hướng điều chỉnh và sắp xếp công việc để salon luôn phát triển một cách bền vững.
Bước này mình tạm lấy mục tiêu doanh số là 100.000.000đ và mình sẽ viết thành một bài chi tiết hơn để các bạn có kiến thức sâu hơn về cách xây dựng kế hoạch doanh số cho các tháng sao cho phù hợp và thực tế nhất.

Bước 2: Tính toán các chi phí cố định.
Sau khi đã chốt hợp đồng sang nhượng thì phần nào bạn đã rõ được các khoản chi phí cố định mà mình sẽ phải chi trả hàng tháng. Hãy liệt kê những chi phí đó để biết tổng chi phí cố định chiếm bao nhiêu % mục tiêu doanh số tháng mà bạn đưa ra nhé.
Mỗi quy mô và địa điểm sẽ có các khoản chi phí cố định khác nhau. Dưới đây mình có làm 1 bảng các chi phí cố định các bạn có thể tham khảo nhé:


Bảng tính chi phí cố định cần chi tiêu trong 1 tháng để hoạt động salon tóc

Trong bảng này:
⦁ Chi phí thuê nhà là 8 triệu đồng. Chi phí này có thể thay đổi tuỳ vào thực tế mặt bằng mà các bạn thuê và nó có thể thêm 1 số khoản khác ví dụ nếu bạn thuê ở Chung cư sẽ có thêm khoản phụ phí hàng tháng khoảng 10.000Đ/m2
⦁ Chi phí điện nước mình tính vận hành salon trong vòng 1 tháng đạt doanh số 100 triệu thì ước chừng hết khoảng trên dưới 5 triệu đồng tiền điện nước.
⦁ Chi phí tiền sản phẩm sẽ rơi vào khoảng 15% so với mục tiêu doanh số (Chi phí này có thể tăng cao nếu bạn không quản lý được việc nhân viên sử dụng tiết kiệm)
⦁ Chi phí khác mình tạm để là 5% mục tiêu doanh số. Khoản này sẽ chi vào các việc phát sinh trong salon như: Mua đồ thắp hương, giặt khăn, nước uống, chi phí quan hệ,…
⦁ Chi phí Marketing mình để khoảng 10 triệu. Chi phí này dùng vào mục đích quảng bá salon như: In tờ rơi, chi phí quảng cáo, chi phí tuyển & làm mẫu tóc…
⦁ Chi phí khấu hao tài sản cố định là khoản chi phí mà các bạn đầu tư cho salon lúc ban đầu. Khoản này mình đang ví dụ tính như sau:
Ví dụ chi phí đầu tư là 100 triệu. Dự định dụng cụ sử dụng được trong 3 năm. Vậy chi phí KHTSCĐ = 100.000.000 / 36 tháng = 2.777.777đ

Bước 3: Tính tỉ suất số lượng dịch vụ cần làm trong tháng.
Để đạt được target (Mục tiêu doanh số) và phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng trong khu vực các bạn sẽ tính tỉ suất số lượng dịch vụ cần làm trong tháng theo các bước như sau:
⦁ Xác định giá dịch vụ trung bình của từng dịch vụ.
⦁ Xác định tỉ suất % mà dịch vụ đó mang lại so với mục tiêu doanh số. Ví dụ mục tiêu doanh số là 100 triệu và mình ước chừng các dịch vụ hoá chất sẽ chiếm 60 triệu vậy tỉ suất của dịch vụ hoá chất = 60%
⦁ Xác định số lượng dịch vụ cần làm trong tháng từ đó chia nhỏ ra các tuần và chia ra số ngày làm việc trong tháng để biết 1 ngày cần làm bao nhiêu dịch vụ.
Ví dụ: Tỉ suất doanh số dịch vụ hoá chất là 60% = 60 triệu và giá dịch vụ trung bình là 800k => Số dịch vụ cần làm trong tháng = 60 triệu / 800K = 75 dịch vụ => Số dịch vụ hoá chất cần làm trong ngày = 75 / 30 ngày = 3 dịch vụ.


Bảng tính tỉ suất số lượng dịch vụ cần làm trong tháng, ngày

Bước 4: Tính toán chi phí lương nhân sự.
Dựa vào mục tiêu doanh số và bảng tỉ suất số lượng dịch vụ cần làm trong tháng các bạn sẽ suy ra mình cần bao nhiêu nhân sự để đáp ứng được khối lượng công việc đó. Sau khi biết được số nhân sự cần có trong salon thì các bạn cần đưa ra cách tính lương phù hợp để giữ được nhân sự cũng như thúc đẩy việc nhân sự làm việc năng suất hơn.
Mỗi salon đều có các cách tính lương nhân sự khác nhau. Ở đây, mình sẽ ví dụ cho các bạn 2 cách tính lương như sau:
Cách 1: Lương = Lương cơ bản + % doanh số + Hỗ trợ (Ăn, ở…)
Cách tính lương này mình ví dụ với quy mô nhân sự là 2 thợ chính + 2 thợ phụ.
⦁ Lương thợ chính bao gồm:
⦁ Lương cơ bản = 5.000.000đ
⦁ Lương doanh số dịch vụ hoá chất = 10%
⦁ Lương doanh số dịch vụ cắt nam = cắt nữ = 25%
⦁ Lương doanh số gội = hấp = bán sản phẩm = 10%

⦁ Lương thợ phụ bao gồm:
⦁ Lương cơ bản = 3.000.000đ
⦁ Lương doanh số dịch vụ hoá chất = 5%
⦁ Lương doanh số dịch vụ cắt nam = 25%
⦁ Lương doanh số gội = hấp = bán sản phẩm = 10%

Cách tính lương có bao gồm lương cơ bản

Cách 2: Tính lương theo hình thức ăn chia. Lương = % Doanh số + Hỗ trợ (ăn, ở…)

Cách tính thương theo hình thức ăn chia này mình áp dụng 4 thợ chính không có thợ phụ.
⦁ Lương của thợ gồm:
⦁ Lương doanh số hoá chất = 30%
⦁ Lương doanh số cắt nam = cắt nữ = 25%
⦁ Lương doanh số gội = hấp = bán sản phẩm = 10%
⦁ Hỗ trợ tiền ăn = 20.000đ/ngày

Ở cách tính lương này mình sẽ chia 2 người làm 1 nhóm. Mỗi nhóm sẽ chiụ trách nhiệm 50% doanh số. Các khoản lương doanh số như cắt tóc nam, cắt tóc nữ, gội đầu, hấp tóc, bán sản phẩm… thì ai làm dịch vụ nào sẽ hưởng % tương ứng của dịch vụ đó. Riêng về dịch vụ hoá chất, mỗi thợ được hưởng 30% nhưng do 2 người 1 team và cần có 1 người phụ trách chính trong nhóm tránh việc tranh cãi và đùn đẩy công việc lẫn nhau thì mình để 1 bạn % nhỉnh hơn 1 chút là 35% để bạn này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trong nhóm của mình, bạn còn lại sẽ hưởng 25% nhưng sẽ không phải chịu trách nhiệm.
Cách tính lương này cũng đang được áp dụng trực tiếp vào chuỗi hệ thống Salon tóc HAIRSTAR vì khi sử dụng cách tính lương này đội ngũ thợ sẽ chủ động hơn về doanh số của mình, làm nhiều sẽ hưởng lương cao, làm ít sẽ hưởng lương thấp.

Cách tính lương theo hình thức ăn chia

Bước 5: Xây dựng kế hoạch Marketing để tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ để đảm bảo được số lượng khách hàng đến salon đúng như tỉ suất số lượng dịch vụ các bạn đã tính ở bước 3.
Bước này mình xin phép các bạn làm một bài khác chi tiết và cụ thể hơn. Các bạn cùng theo dõi nhé.

Nếu các bạn cần file exel mẫu cách tính các bước trên hoặc cần tư vấn thì có thể inbox vào Fanpage TopSalon.vn để được hỗ trợ nhé.